Lịch sử Thiểm_Tây

Văn minh Thượng cổ

Lăng mộ và tế đình tại Hoàng Đế lăngHoàng Lăng, Diên An

Khu vực Thiểm Bắc thuộc vùng trung thượng du Hoàng Hà, khu vực phía nam Tần Lĩnh thuộc vùng thượng du Trường Giang, Quan Trung là những vùng phát địa quan trọng của nền văn minh Trung Hoa. Theo phân kỳ khảo cổ, khu vực Quan Trung từ xưa đã có các hoạt động của người Lam Điền (蓝田人, Homo erectus lantianensis). Trong các di chỉ thời đại đồ đá mới, có niên đại sớm nhất là thuộc về văn hóa Lão Quan Đài (khoảng 6000 TCN-5000 TCN), kế tiếp là thuộc văn hóa Ngưỡng Thiều (khoảng 5000 TCN-3000 TCN) nổi tiếng, sau đó là văn hóa Long Sơn (khoảng 3000 TCN-2000 TCN).

Về mặt truyền thuyết, Thiểm Tây thời Thượng Cổ là đất Ung châu, là đất phát nguyên và đất an táng của Viêm ĐếHoàng Đế, mà theo Quốc ngữ thì Viêm Đế và Hoàng Đế đều là hậu duệ của Thiếu Điển. Đồng thời trên địa bàn Thiểm Tây còn có Hoa Tư cổ quốc hoặc Hoa Tư thị ở khu vực Lam Điền của Tây An ngày nay. Hoa Tư thị là tổ tiên của dân tộc Trung Hoa, chữ Hoa Hạ và Trung Hoa bắt nguồn từ Hoa Tư thị (có thuyết nói là bắt nguồn từ Hoá Sơn, cũng thuộc Thiểm Tây).[4]

Thời kỳ Tiên Tần

Chu tộc nguyên là một bộ lạc cổ ở khu vực Quan Trung của Thiểm Tây. Theo Sử ký- Chu bản kỉ, thủy tổ của Chu tộc tên là Khí, do giỏi canh nông nên được vua Nghiêu cử làm Nông sư, được vua Thuấn đặt hiệu là Hậu Tắc, phong cho đất Thai (邰)[chú 1] và ban cho họ Cơ. Ba đời sau, đến đời thủ lĩnh Cơ Công Lưu, ông đã dẫn tộc chúng di cư đến Phân Phụ (分阝)[chú 2]. Chín đời sau đó, khoảng thế kỷ XII TCN, thời thủ lĩnh Cổ Công Đản Phủ, người Chu vượt qua sông Tất Thủy, qua Lương Sơn, đến định cư trên vùng đất tươi đẹp và phì nhiêu phía bắc Vị Hà và chân núi phía nam Kỳ Sơn, thuộc vùng cao nguyên Hoàng Thổ, họ lấy tộc danh để đặt cho vùng đất này là Chu Nguyên[chú 3]. Cổ Công Đản Phủ chỉ huy tộc nhân khai khẩn đất đai, đào rãnh tiêu nước, trồng các loại cây lương thực, phát triển nông nghiệp, xây dựng miếu đường, cung điện, nhà ở, xây đắp tường thành. Bộ lạc Chu thiết lập nên chế độ quan lại, lập quân đội, nhiều lần đẩy lui các cuộc tấn công của những bộ lạc Nhung, Địch. Việc chính thức định quốc hiệu là Chu thể hiện việc người Chu đã tiến vào xã hội giai cấp, thời kỳ đầu của chế độ nô lệ.[3]

Bình đựng rượu thời kỳ đầu Tây Chu, khai quật tại khu mộ Trúc Viên Câu, Bảo Kê

Đời thủ lĩnh thứ 15 của bộ lạc Chu là Cơ Xương, trong thời gian này, lực lượng của Chu quốc đã phát triển rất mạnh, chiếm toàn bộ bình nguyên Quan Trung. Cơ Xương chuyển quốc đô từ Chu Nguyên đến đất Phong (沣)[chú 4]. Sau khi Cơ Xương mất, con là Cơ Phát kế vị. Sau đó, Cơ Phát thiên đô đến đất Hạo (镐)[chú 5] Cơ Phát tôn Khương Tử Nha làm thầy, trọng dụng em trai Cơ Đán, tiếp tục phát triển về phía đông. Sau khi chiến thắng trong trận Mục Dã, Chu quốc diệt vương triều Thương và lập ra vương triều Chu.

Tây Chu là triều đại đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc định đô tại địa bàn Thiểm Tây ngày nay. Thời Tây Chu, kinh tế Thiểm Tây, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp đã có sự phát triển to lớn, nông cụ có sự cải tiến rõ rệt, xuất hiện các loại cuốc thích hợp với việc canh tác nhanh và làm cỏ. Chế độ cach tác luân canh dần dần thay thế chế độ canh tác quảng canh. Người dân tại Thiểm Tây cũng bắt đầu sử dụng phân xanh và phân trộn, tạo lập một hệ thống mương thủy lợi hoàn chỉnh.

Từ sau thời Chu Chiêu Vương, vương triều Chu dần dần xuống dốc. Đặc biệt là Chu U Vương hoang dâm vô đạo, thế nước nhanh chóng suy sụp. Do Chu U Vương phế bỏ Thân hậu và thái tử Nghi Cữu, năm thứ 11 thời Chu U Vương (771 TCN), Thân hầu[chú 6] đã liên hiệp với hai tộc Khuyển, Nhung công phá Hạo Kinh, giết U Vương, lập thái tử Nghi Cữu lên ngôi, tức Chu Bình Vương. Năm sau, Chu Bình Vương thiên đô về phía đông, đến Lạc Ấp.[chú 7]

Thời Tần

Chiến binh đất nung tại Lăng mộ Tần Thủy HoàngTây An

Theo Sử ký- Tần bản kỷ, người Tần là hậu duệ của Chuyên Húc- con cháu của Hoàng Đế, đã theo Hạ Vũ bình thủy thổ, lại giúp vua Thuấn chế ngự chim thú, được Thuấn ban cho họ "Doanh". Sau khi bộ lạc Chu nổi lên tại Quan Trung ở Thiểm Tây, người Tần thân thiện với Chu, từng được Chu vương giao cho việc chăn ngựa. Chu Hiếu Vương thấy người Tần có công, phân phong cho đất Tần[chú 8] tộc hiệu là Tần Doanh, làm phụ dung cho nhà Chu. Khi Chu Bình Vương thiên đô về phía đông, Tần Tương công suất binh hộ tống, được Chu Bình Vương phong làm chư hầu, ban vùng đất phía tây Kỳ (岐)[chú 9]. Sau khi Tần Tương công thụ phong, bắt đầu tiến hành chiến tranh lâu dài với các tộc Nhung, Địch để tranh đoạt Quan Trung, sau nhiều thập niên, cuối cùng đã củng cố địa vị thống trị tại Quan Trung.

Năm thứ nhất thời Tần Đức công (677 TCN), nước Tần dời quốc đô từ Bình Dương (平阳)[chú 10] đến Ung (雍)[chú 11], Ung là quốc đô của Tần trong vòng gần 300 năm. Năm thứ hai đời Tần Hiến công (383 TCN), Tần thiên đô về phía đông, đến Lịch Dương (栎阳)[chú 12]. Năm thứ 12 đời Tần Hiếu công (350 TCN), Tần lại thiên đô đến Hàm Dương. Sau khi Tần vương Doanh Chính (Tần Thủy Hoàng) kế vị vào năm 246 TCN, Tần tiến hành chiến tranh thống nhất Trung Quốc, mỗi lần xuất binh diệt một nước, cuối cùng diệt cả sáu nước.

Sau khi thống nhất Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng lại bắt 12 vạn hộ phú hào trong toàn quốc phải dời đến Hàm Dương, vì thế nhân khẩu tại đây nhanh chóng tăng lên gần một triệu, là thành thị lớn nhất thế giới lúc bấy giờ.[3]

Thời Chiến Quốc, nước Ngụy đã lập Thượng quận tại hạ du Lạc Hà, nước Sở lập Hán Trung quận tại trung du Hán Giang. Sau khi Tần thống nhất Trung Quốc, đã phân lãnh thổ của mình thành 36 quận. Khi đó, bắc bộ Thiểm Tây thuộc Thượng quận, trị sở đặt tại Phu Thi (肤施)[chú 13]; nam bộ Thiểm Tây thuộc Hán Trung quận, trị sở đặt tại Nam Trịnh (南郑)[chú 14], ở lưu vực Vị Hà thiết lập Nội Sử, quản lý khu vực phụ cận kinh đô.

Trước và sau khi Nhà Tần thành lập, nông nghiệp vùng Quan Trung tương đối phát triển, đất đai được khai khẩn trên phạm vi lớn, việc nuôi trâu để cày trở nên phổ biến, đã xuất hiện cày sắt, hoàn thành xây dựng kênh Trịnh Quốc (鄭國渠)[chú 15], tưới nước cho 4 vạn khoảnh ruộng. Trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng ở Thiểm Tây, đã khai quật được đội quân đất nung, xe ngựa đồng (銅車馬)[5] và các binh khí. Thể hiện rằng thủ công nghiệp thời Tần đã có sự phát triển rất lớn.

Tháng 7 năm 210 TCN, Tần Thủy Hoàng qua đời trên đường tuần du tại Sa Khâu (沙丘)[chú 16] Kỳ tử Hồ Hợi kế vị, tức Nhị Thế hoàng đế.[6] Tháng 7 năm 209 TCN, Trần Thắng, Ngô Quảng bắt đầu khởi nghĩa tại Đại Trạch hương (大澤鄉)[chú 17]; đến tháng 9 đến lượt Lưu BangHạng Vũ khởi nghĩa riêng biệt tại huyện Bái[chú 18] và Ngô[chú 19] Tháng 8 năm 207 TCN, tại Hàm Dương, Triệu Cao giết hại Nhị Thế hoàng đế rồi tôn Tử Anh làm vua Tần. Tháng 10 năm 207 TCN, Lưu Bang suất quân tiến theo đường Vũ Quan[chú 20], Lam Điền[chú 21] đến Bá Thượng[chú 22], Tử Anh đầu hàng, triều Tần diệt vong.

Nhà Hán

Kim bính thời Tây Hán, khai quật tại hương Đàm Gia ở Tây An

Tháng 2 năm 206 TCN, Hạng Vũ tự lập làm Tây Sở Bá vương, lấy khu vực Quan Trung và Thiểm Bắc của Thiểm Tây phân phong cho ba danh hàng tướng của triều Tần; Chương Hàm được phong làm Ung vương, đất đai từ Hàm Dương về phía tây, đóng đô tại Phế Khâu (廢丘)[chú 23]; Tư Mã Hân được phong làm Tắc vương, đất đai ở phía đông Hàm Dương, đóng đô tại Lịch Dương (栎阳)[chú 24]; Đổng Ế được phong làm Địch vương, đất đai ở Thiểm Bắc, đóng đô tại Cao Nô (高奴)[chú 25] Do đó, Thiểm Tây còn mang danh là "Tam Tần". Còn vùng Hán Trung ở phía nam Tần Lĩnh thuộc về Hán vương Lưu Bang. Tháng 8 năm 206 TCN, quân của Hán vương Lưu Bang bí mật tiến đến Trần Thương (陳倉)[chú 26], tập kích Quan Trung, Chương Hàm rút về cố thủ ở Phế Khâu (đến năm 205 TCN tự sát) còn Tư Mã Hân và Đổng Ế đầu hàng, toàn bộ Thiểm Tây thuộc quyền kiểm soát của Lưu Bang.

Sau đó, đến tháng 2 năm 202 TCN, Lưu Bang thiết lập nên triều Tây Hán, xưng làm hoàng đế ở Phiếm Thủy (氾水)[chú 27], tức Hán Cao Tổ. Đến tháng 5 cùng năm, Hán Cao Tổ nghe theo kiến nghị của Lâu Kính (婁敬), Trương Lương nên chuyển quốc đô triều Hán đến Quan Trung. Tiên đô nằm ở Lịch Dương (櫟陽)[chú 28]. Đến năm thứ 7 đời Hán Cao Tổ (200 TCN), quốc đô triều Hán chuyển từ Lịch Dương đến Trường An, cũng gọi là Tây Hán kinh sư.

Thời Tây Hán, vùng thuộc quyền quản lý của Nội Sử thời Tần, tức lưu vực Vị Hà, được phân làm 3: kinh triệu duẫn quản lý khu vực phía nam Vị Hà; tả bằng dực quản lý khu vực phía bắc Vị Hà, trung hạ du Lạc Hà; hữu phù phong quản lý khu vực phía tây Hàm Dương ngày nay. Lịch sử gọi đây là "Tam phụ", trị sở đều ở thành Trường An. Thành Trường An, kinh đô của Tây Hán, nằm ở ngay phía tây bắc của Tây An ngày nay. Theo sử liệu ghi lại, chu vi thành Trường An là 65 (ước tính tương đương với 26 km), tường thành cao trên dưới 12 m, rộng 12-16 mét, việc thành cao và rộng như vậy được cho là để đối phó với lũ lụt do Vị Hà gây ra.[7] Thành Trường An có 16 cổng thành. Theo Hán thư-Địa lý chí, vào năm 2 SCN, nhân khẩu trong thành Trường An có "80.800 hộ, 246.200 người". Một số chuyên gia hữu quan cho rằng con số này thấp so với thực tế, nếu lấy mỗi hộ có năm người thì dân trong thành phải trên 400 nghìn người.[3] Thành Trường An là thành thị đại quy mô đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, trên thế giới khi đó chỉ có thành La Mã là có thể so sánh được.

Thời Tây Hán là khoảng thời gian hưng thịnh của Thiểm Tây. Thời Hán Vũ Đế (140 TCN-88 TCN), quốc thế của triều Hán lên đến đỉnh cao. Ngoài sự phồn hoa của kinh thành Trường An, kinh tế nông nghiệp của Thiểm Tây cũng phát triển, chủ yếu là do phát triển sự nghiệp thủy lợi, cải thiện kỹ thuật nông nghiệp. Ở Quan Trung, trước sau đã đào các kênh Tào, Long Thủ, Lục Phụ, Bạch, Linh Chỉ và Thành Quốc, cũng như các đường dẫn nước tưới tiêu khác, hình thành một mạng lưới tưới tiêu ruộng đồng ở bình nguyên Quan Trung. Thời Hán Vũ Đế, đô úy Triệu Quá đã sáng tạo ra "đại điền pháp", sáng chế ra "lâu xa" (một loại công cụ gieo hạt có ba chân), ngẫu lê (một loại cày theo phương thức canh tác ba người hai trâu, thâm canh, lật đất, đắp bờ).

Năm 9 SCN, Vương Mãng phế Nhũ Tử Anh, lập ra nhà Tân. Vương Mãng mang hoài bão phục cổ, tái tạo nền văn minh cổ xưa, xây dựng một thế giới lý tưởng.[8] Ông đã thực hiện hàng loạt cải cách ảnh hưởng toàn diện đến xã hội Trung Quốc khi đó. Tháng 2 năm 23, Lục Lâm quân ủng hộ Lưu Huyền lên làm hoàng đế, đến tháng 9 thì công nhập Trường An, Vương Mãnh bị giết. Tháng 2 năm 24, Lưu Huyền thiên đô đến Trường An. Tháng 6 năm 25, Xích Mi quân tại Hoá Âm đã ủng hộ lập Lưu Bồn Tử làm hoàng đế, đến tháng 9 cùng năm công nhập Trường An, lật đổ Lưu Huyền. Sau khi Xích Mi quân làm chủ Trường An, do quân sĩ và số đông tướng sĩ của lực lượng này là nông dân thuần phác, nên bị lực lượng địa chủ rất thù địch,[9] đóng kín cửa không nghênh đón và cấp lương. Xích Mi quân sau đó lại đầu hàng Lưu Tú.

Tháng 6 năm 25, Lưu Tú thiết lập triều Đông Hán tại Lạc Dương, tuy nhiên Quan Trung vẫn bảo lưu xưng hiệu "Tam phụ", Trường An duy trì danh nghĩa Kinh Triệu phủ, Hán Trung quận do Ích châu thứ sử tại Thành Đô quản lý, Thiểm Bắc thuộc Tịnh châu thứ sử tại Tấn Dương quản lý.

Cuối thời Đông Hán, năm 190, Quan Đông quân phiệt suy tôn Viên Thiệu làm minh chủ, thảo phạt Đổng Trác. Đổng Trác đem Hán Hiến Đế Lưu Hiệp chạy về phía tây, đến Trường An. Tháng 4 năm 192, trong lúc chư hầu đang xung đột ở phía đông thì trong triều đình Trường An, Vương DoãnLã Bố mưu sát Đổng Trác. Tháng 6 năm đó, bộ tướng của Đổng Trác là Lý Quyết, Quách Dĩ, Phàn Trù công nhập Trường An. Năm 195, Lý Quyết, Quách Dĩ, Phàn Trù lại công sát lẫn nhau. Trong thời gian này, Thiểm Tây đã phải trải qua đại họa, "trong thành Trường An, không thể ngăn chặn đạo tặc, cướp bóc giữa ban ngày... người ăn thịt nhau, xương trắng lũy tích, xú uế đầy đường".[10]

Tam Quốc

đài kỷ niệm tại di chỉ Hổ Đầu Kiều ở phía tây Hán Trung, nơi Ngụy Diên bị hành quyết

Thời kỳ Tam Quốc, vùng Quan Trung của Thiểm Tây thuộc quyền quản lý của Ung châu thuộc Tào Ngụy, trị sở đặt tại Trường An. Các huyện ở Thiểm Nam nằm ở phía đông của Thạch Tuyền thì thuộc Kinh châu[chú 29] của Tào Ngụy. Khu vực tây bộ Thiểm Nam nằm dưới quyền quản lý của Ích châu[chú 30] thuộc Thục Hán. Các xứ ở Thiểm Bắc là lãnh địa của các tộc du mục.

Mùa xuân năm 228, Gia Cát Lượng thống lĩnh 10 vạn đại quân xuất phát từ Hán Trung đi về hướng Bắc để chinh phạt Ngụy. Ông loan tin rằng đại quân của Thục sắp sửa theo đường hẻm Tà Cốc đánh vào My Thành, đồng thời cử Triệu Vân, Đặng Chi đem một bộ phận binh lục đi chiếm Kỳ Cốc[chú 31] và làm ra vẻ như muốn đi theo đường Tà Cốc để tiến lên phía bắc, nhằm thu hút sự chú ý của quân Tào, trong khi đó Gia Cát Lượng tự mình dẫn quân chủ lực tiến phát theo đường Kỳ Sơn về hướng tây bắc. Trong chiến dịch này, quân Thục dụ hàng được danh tướng Ngụy là Khương Duy gây xôn xao cả miền Quan Trung.[11]

Sau khi Gia Cát Lượng mất trong khi đang đem quân đánh Tào Ngụy, tướng Khương Duy tiếp tục tiếp hành 9 lần chinh phạt Trung Nguyên trong các năm 247-262, chiến trường chính là hai tỉnh Cam Túc và Thiểm Tây ngày nay. Năm 263-264, khi quân Ngụy tiến hành chiến dịch tiêu diệt Thục, họ phân thành ba mặt trận quân, trong đó mặt phía đông là cánh công kích chính, ban đầu tấn công Hán Trung từ Tà Cốc (斜谷)[chú 32], Lạc Cốc (駱谷), và Tử Ngọ Cốc (子午谷)[chú 33]. Sau đó, ba đội quân của mặt trận phía đông hội quân và tiếp tục tiến sâu vào đất Thục.

Trung hậu kỳ Đông Hán, người Hung Nô di cư vào gần Trung Nguyên hơn, nuôi ngựa trên Lã Lương Sơn (呂梁山)[chú 34] và lưu vực Phần Hà. Đến thời Tam Quốc, người Hung Nô phân thành 5 bộ, số người đạt đến mấy chục vạn. Ngoài ra, trên địa bàn Thiểm Tây và Cam Túc còn có sự hiện diện của các tộc Yết, Tiên Ti, Đê, Khương, sử gọi chung là Ngũ Hồ.

Tấn, Ngũ Hồ thập lục quốc

Thời Tây Tấn, Trường An là bồi đô của đế chế, Hàm Dương được đổi tên thành Linh Vũ.

Cuối năm 311, sau khi con trai của Lưu ThôngLưu Xán chiếm Trường An, Lưu Diệu được giao phụ trách cai quản vùng Trường An, mặc dù vậy, sau đó ông đã để mất thành vào tay quân Tấn do Khúc Doãn (麴允) chỉ huy. Năm 313, Tấn Hoài Đế bị quân Hung Nô giết, tướng nhà Tấn là Diêm Đỉnh bàn với mọi người quyết định lập Tư Mã Nghiệp làm hoàng đế tại Trường An, tức là Tấn Mẫn Đế. Tháng 8 năm 316, Lưu Diệu cho quân tiến vào Quan Trung, đến tháng 11, Tấn Mẫn Đế bị bắt, triều Tây Tấn cũng diệt vong. Nhờ công trạng này, Lưu Diệu được Lưu Thông phong làm Tần vương.

Sau khi lên ngôi hoàng đế Hán, năm 319, Lưu Diệu cải quốc hiệu thành "Triệu", sử gọi là "Tiền Triệu", do Bình Dương[chú 35] đã bị tàn phá, Lưu Diệu đã quyết định dời đô về Trường An. Trong thời kỳ Tiền Triệu, Quan Trung và Thương Lạc của Thiểm Tây nằm dưới quyền quản lý của nước này.

Cũng trong thời gian đó, vùng Thiểm Bắc do nước Hậu Triệu chiếm cứ, khu vực thượng du Hán Giang do nước Thành chiếm giữ, khu vực từ Thạch Tuyền về phía đông thuộc quyền quản lý của triều Đông Tấn. Năm 328, Thạch Lặc (tộc Yết) đã bắt sống Lưu Diệu tại Lạc Dương. Năm sau, Hậu Triệu tiến quân vào Quan Trung, nước Tiền Triệu diệt vong.

Năm 350, tận dụng thời cơ Hậu Triệu có nội loạn, thủ lĩnh người ĐêPhù Hồng đã tiến quân vào Quan Trung. Năm 351, con trai của Phù Hồng là Phù Kiện đã xưng làm "Thiên vương" tại Trường An, chính thức đoạn tuyệt với Tấn cùng Hậu Triệu và lập nước Tiền Tần. Năm 354, tướng Hoàn Ôn của Đông Tấn phối hợp cùng quân Tiền Lương để mở một chiến dịch lớn chống lại Tiền Tần. Hoàn Ôn đã tiến được đến vùng lân cận của Trường An, đánh bại mọi toán quân Tiền Tần trên đường hành quân. Tuy nhiên, do Phù Kiện đã dự đoán được cuộc tấn công của Tấn nên đã cho thu hoạch lúa mì, quân Đông Tấn bắt đầu cạn nguồn lương thảo và buộc phải rút lui vào cuối mùa hè cùng năm.

Năm 357, Phù Kiên trở thành Thiên vương Tiền Tần sau khi giết chết Phù Sinh, trị vì với sự giúp đỡ của Vương Mãnh. Năm 370, sau khi Tiền Tần diệt được nước Tiền Yên của người Tiên Ti, nghe theo kiến nghị của Vương Mãnh, Phù Kiên đã buộc các vương công của Tiền Tần và hơn 4 vạn người Tiên Ti đến vùng Trường An.[12] Năm sau, Phù Kiên lại buộc các cường hào ở Quan Đông (tức bình nguyên Hoa Bắc) và 15 vạn hộ các dân tộc phi Hán khác đến Trường An và vùng Quan Trung, kinh tế Quan Trung vì thế được khôi phục rõ rệt so với trước.

Tháng 3 năm 384, một thành viên hoàng tộc Tiền Yên là Mộ Dung Hoằng trú tại Hoá Âm đã tự xưng làm Ung châu mục, Tế Bắc vương, đến tháng 4, Mộ Dung Hoằng cải niên hiệu thành Yên Hưng, lịch sử gọi thế lực của Mộ Dung Hoằng là Tây Yên. Sau khi người Tiên Ti nổi dậy, Phù Kiên đã cho thảm sát người Tiên Ti trong thành Trường An. Năm 385, sau khi Mộ Dung Hoằng bị giết, Mộ Dung Xung kế vị và đã cho quân Tây Yên bao vây được Trường An, và thành này nhanh chóng rơi vào một nạn đói khủng khiếp. Ông cũng cho phép các binh sĩ của mình đi cướp phá vùng Quan Trung theo ý muốn. Trong năm, quân Tây Yên sau đó đã đánh bại được quân Tiền Tần và chiếm được Trường An. Mặc dù những người dân Tiên Ti của ông mong muốn được trở về quê hương ở phía đông, Mộ Dung Xung lại quyết định định cư tại Trường An do ông thích thành này và cũng do ông lo sợ trước thúc phụ Mộ Dung Thùy, người khi đó đã lập ra nước Hậu Yên. Năm 386, người dân Tiên Ti của Tây Yên, dưới sự lãnh đạo của Mộ Dung Nghĩ, gồm 40 vạn người cả nam lẫn nữ, đã từ bỏ Trường An và tiến về phía đông để trở về quê hương.

Diêu Trường vốn là một tướng của Tiền Tần, sau khi bại trận trước Tây Yên, do sợ bị trách phạt nên ông đã tập hợp những người Khương trong vùng và bắt đầu nổi loạn, Diêu Trường tự xưng tước hiệu "Vạn Niên Tần Vương" (萬年秦王), lập nước Hậu Tần. Diêu Trường sau đó tạm thời định đô tại Bắc Địa (北地)[chú 36], chiếm được các thành ở bắc bộ Thiểm Tây hiện nay. Sau khi quân Tây Yên dời đi, Trường An đã lọt vào tay một tộc trưởng Hung Nô là Hác Nô (郝奴) trong một thời gian ngắn, song Hác Nô đã đầu hàng khi Diêu Trường tiến đến Trường An. Diêu Trường định đô tại Trường An và xưng làm hoàng đế. Trong thời gian tồn tại của Hậu Tần, Quan Trung và Thiểm Bắc thuộc quyền quản lý của nước này, còn vùng Thiểm Nam thì do triều đình Đông Tấn chiếm giữ.

Năm 407, một người Hung Nô là Hách Liên Bột Bột đã phản lại Hậu Tần, lập ra nước Hồ Hạ tại Cao Bình (高平)[chú 37]. Năm 409, Diêu Hưng đích thân dẫn quân đi đánh Hách Liên Bột Bột, song khi đến Nhị Thành (貳城)[chú 38], Diêu Hưng đã gần như rơi vào bẫy của Lưu Bột Bột, và trốn thoát sau khi quân Hậu Tần phải chịu thương vương lớn. Đến tháng 3 năm 413, Hách Liên Bột Bột đã xây dựng quốc đô tại thành Thống Vạn (統萬)[chú 39]. Năm 418, Hách Liên Bột Bột đem đại quân tiến xuống phía nam, công hãm Hàm Dương, chiếm cứ Trường An, xưng làm hoàng đế và cải niên hiệu thành Xương Vũ.[13][14] Năm 419, Hách Liên Bột Bột hoàn đô về Thống Vạn, để thái tử Hách Liên Hội trấn giữ Trường An.

Nam-Bắc triều

Năm 426, quân Bắc Ngụy công chiếm hai thành Thống Vạn và Trường An của Hạ. Tháng 4 năm 436, Bắc Ngụy tiêu diệt Bắc Yên, các chế độ ở biên cương cũng phải thần phục, do đó đã thống nhất phương Bắc Trung Quốc.

Sau khi Cao Hoan tiếp cận kinh thành Lạc Dương, Bắc Ngụy Hiếu Vũ Đế đã chạy trốn về phía tây, gặp được quân của Vũ Văn Thái trên đường và được hộ tống đến đại bản doanh của Vũ Văn Thái tại Trường An, định đô luôn tại đây. Khoảng tết năm 535, ông uống phải rượu có pha thuốc độc rồi qua đời và có vẻ chuyện này do các sát thủ của Vũ Văn Thái tiến hành. Năm 535, Vũ Văn Thái đã tôn Nam Dương vương Bảo Cự làm hoàng đế, sử coi Bảo Cự là hoàng đế đầu tiên của Tây Ngụy. Thời Tây Ngụy, Quan Trung và vùng thượng du Hán Giang của Thiểm Tây ngày nay do triều đại nay khống chế.

Năm 556, Vũ Văn Thái mất, con trai là Vũ Văn Giác kế tập. Đến mùa xuân năm 557, Vũ Văn Giác cần danh hiệu hoàng đế để khẳng định quyền lực nên đã buộc Cung Đế phải nhường ngôi, chấm dứt triều đại Tây Ngụy và lập nên triều đại Bắc Chu.

Nhân Bắc Chu Vũ Đế không may đột ngột lâm bệnh mất khi đang sung sức (578), Bắc Chu Tuyên Đế lên thay lại sa vào hưởng lạc, Dương Kiên bắt đầu nắm lấy quyền điều hành triều đình Bắc Chu. Dương Kiên cũng tiêu diệt các lực lượng đối kháng, diệt các chư hầu hoàng tộc Bắc Chu, cuối cùng vào tháng 2 năm 581, Dương Kiên buộc Bắc Chu Tĩnh Đế Vũ Văn Xiển thoái vị, lập ra nhà Tùy.

Thời Tùy

Tùy Văn Đế, người đã thống nhất Trung Quốc sau vài thế kỷ phân liệt

Đầu năm 589, quân Tùy tiêu diệt Nam triều Trần, thống nhất toàn cõi Trung Quốc. Tùy Văn Đế sau khi lên ngôi, muốn xây dựng lại thành Trường An như dưới thời Nhà Hán. Năm 582, theo thiết kế của thành viên hoàng tộc Bắc Chu cũ là Vũ Văn Khải (宇文愷), bắt đầu từ ven phía nam của Long Thủ Nguyên (龙首原)[chú 40] triều Tùy cho xây dựng thành mới Đại Hưng thành[chú 41]. Cung thành là hạng mục được xây dựng trước của Đại Hưng thành, năm 583 thì triều Tùy thiên đô đến đó. Năm Đại Nghiệp thứ 9 thời Tùy Dạng Đế (613), triều Tùy cho xây thành ngoại quách, Đại Hưng thành có bố cục rất quy chuẩn. Thành ngoại quách có hình dạng gần như hình vuông, dài 9.721 mét theo chiều đông-tây, dài 8.556 mét theo chiều bắc-nam, chu vi là 36,7 km, tổng diện tích thành nội là 84 km².[3] Đại Hưng thành có 9 cổng thành ở ba mặt đông, tây, nam. Trong thành nội có 14 đường phố theo hướng đông-tây và 11 đường phố theo hướng bắc-nam.

Thời Tùy, Tùy Văn Đế bỏ quận giữ lại châu, Tùy Dạng Đế sau đó lại đổi châu thành quận. Khi đó, Thiểm Tây được phân thành 17 quận (châu). Trong đó có 9 quận (châu) nằm hoàn toàn trên địa bàn Thiểm Tây ngày nay: Kinh Triệu (Ung châu)[chú 42], Bằng Dực (Đồng châu)[chú 43], Phù Phượng (Kì châu)[chú 44], Thượng quận (Phu châu)[chú 45], Điêu Âm (Thượng châu)[chú 46], Diên An (Diên châu)[chú 47], Thượng Lạc (Thương châu)[chú 48], Hán Trung (Lương châu)[chú 49], Tây Thành (Kim châu)[chú 50] Có 8 quận (châu) có một bộ phận nằm trên địa bàn Thiểm Tây ngày nay: Du Lâm (Thắng châu)[chú 51], Sóc Phương (Hạ châu)[chú 52], Diêm Xuyên (Diêm châu)[chú 53], Hoằng Hóa (Khánh châu)[chú 54], Bắc Địa (Bân châu)[chú 55], Hà Trì (Phượng châu)[chú 56], Thuận Chính (Hưng châu)[chú 57], Nghĩa Thành (Lợi châu)[chú 58].

Năm 604, Dương Quảng giết phụ hoàng và hoàng huynh, đoạt lấy ngai vàng, tức Tùy Dạng Đế. Tùy Dạng Đế thi hành chính sách tàn bạo, khiến các cuộc khởi nghĩa nông dân bùng nổ. Tháng 9 năm 617, Lý Uyên từ nơi khởi binh tại Thái Nguyên đã vượt qua Hoàng Hà, công chiếm Triều Ấp (朝邑)[chú 59], đến tháng 11 thì công chiếm Trường An. Lý Uyên lập Đại vương Dương Hựu làm hoàng đế, tức Tùy Cung Đế, và tự lập mình làm đại thừa tướng. Tháng 5 năm 618, Lý Uyên bức Cung Đế phải thoái vị, bản thân xưng đế, lập ra triều Đường, vẫn định đô tại Trường An.

Thời Đường

Tháp Đại Nhạn tại Tây An, được xây dựng lần đầu vào năm 652, gắn liền với nhà sư Huyền Trang

Nhà Đường vẫn sử dụng Đại Hưng thành ở Trường An từ thời Tùy, không ngừng xây dựng thêm. Vào tháng 3 và tháng 11 năm Vĩnh Huy thứ 5 đời Đường Cao Tông (654), công bộ thượng thư Diêm Lập Đức (閻立德) đã cho người trùng tu thành ngoại quách. Theo hệ thống đo lường ngày nay, thành ngoại quách của Trường An đời Đường kéo dài 9.500 mét từ đông sang tây, 8.470 mét từ bắc xuống nam, chu vi 35,5 km.[3] Thành nội bao gồm cung thành, hoàng thành và khu cư trú của thị dân. Cung thành nằm ở phía bắc của chính giữa toàn thành, đầu thời Đường chỉ có một Thái Cực cung (Đại Hưng cung của Tùy trước đây), là nơi Đường Cao Tổ Lý Uyên và Đường Thái Tông Lý Thế Dân cư trú trên 30 năm. Năm Trinh Quán thứ 8 (634), trên Long Thủ Nguyên thuộc Cấm Uyển ở góc đông bắc Cung thành, Đường Thái Tông đã cho xây dựng Vĩnh An cung, nhường cho Thái thượng hoàng (Lý Uyên) cư trú, năm sau đổi tên thành Đại Minh cung. Năm Long Sóc thứ 2 (662) thời Đường Cao Tông, triều đình bắt đầu mở rộng thêm Đại Minh cung, năm sau, Đường Cao Tông chuyển từ Thái Cực cung đến Đại Minh cung cư trú và xử lý chính sự. Kể từ đó, các hoàng đế Nhà Đường trú tại Đại Minh cung. Năm Khai Nguyên thứ 2 (714) thời Đường Huyền Tông, vị hoàng đế này đã đổi nơi cư trú trước đây của ông thành Hưng Khánh cung, tiến hành vài lần mở rộng. Hoàng thành nằm ở mặt nam của Cung thành, chiều đông-tây tương đương với Cung thành, phía bắc có Thừa Thiên môn với Cung thành, phía nam có Minh Đức môn với thành ngoại quách.

Thời Đường, triều đình lập thêm cấp đạo trên các đơn vị châu (quận). Toàn lãnh thổ Đại Đường lúc đầu được chia thành 10 đạo, khi đó khu vực Quan Trung và Thiểm Bắc của Thiểm Tây ngày nay thuộc Quan Nội đạo, Thiểm Nam thuộc địa giới của Sơn Nam đạo. Đến trung kỳ Nhà Đường, toàn quốc được chia thành 15 đạo, Thiểm Tây khi đó phân thuộc quyền quản lý của 4 đạo. Kinh Kỳ đạo tách khỏi Quan Nội đạo, quản lý khu vực ở phía nam của một đường từ Trường Vũ đến Hàn Thành, khu vực phía đông của Phượng Tường, có trị sở đặt tại Trường An. Quan Nội đạo do quan ở kinh thành quản lý từ xa. Khu vực phía đông An Khang thuộc Sơn Nam Đông đạo, trị sở đặt tại Tương Phàn của Hồ Bắc ngày nay. Khu vực từ An Khang về phía tây thuộc về Sơn Nam Tây đạo, trị sở đạo này đặt tại Hán Trung ngày nay. Thời Đường, có ba phủ nằm trên địa phận Thiểm Tây ngày nay, đó là Kinh Triệu phủ (trị sở tại Trường An), Phượng Tường phủ (trị sở tại huyện Phường Tường ngày nay), Hưng Nguyên phủ (trị sở tại Hán Trung ngày nay).

Thời Đường là khoảng thời gian cực thịnh của Trung Quốc cổ đại, cũng là khoảng thời gian phồn vinh nhất của Thiểm Tây trong thời cổ. Thời Đường, theo sử sách Trung Quốc thì nhân khẩu Trường An ở lúc cao nhất đã vượt quá 1 triệu người, trong khi các ước tính hiện đại cho rằng trong thành nội có 800.000–1.000.000 người.[15] là thành thị lớn nhất thế giới lúc bấy giờ. Thủ công nghiệp trong thành Trường An rất phát triển. Năm 1970, tại thôn Hà Gia ở Tây An, đã phát hiện được hai cái vại được chôn giấu, có trên cả nghìn vật phẩm, trong đó có 270 đồ vật bằng vàng hay bạc, được chế tác rất tinh xảo. Thời Đường, sản xuất đồ sứ đã trở thành một ngành sản xuất độc lập, tam thải (三彩) là một loại sản phẩm mới của nền công nghiệp gốm sứ, gốm xanh Diệu châu của Thiểm Tây rất có danh tiếng, được tìm thấy nhiều khi khai quật các lăng hoàng tộc và mộ quý tộc đời Đường.

Năm 755, bắt đầu nổ ra loạn An Sử. Tháng 6 năm 756, quân An Lộc Sơn công phá Đồng Quan, Đường Huyền Tông cùng thừa tướng Dương Quốc Trung hốt hoảng, cùng Dương Quý Phi với 1.000 cấm binh bỏ Trường An rút về đất Thục. Quân phản loạn của An Lộc Sơn sau khi vào Trường An, đã tiến hành đốt phá, giết người, cướp của bừa bãi trong suốt ba ngày đêm, thành Trường An trở nên trống rỗng. Tháng 9 năm 757, danh tướng Quách Tử Nghi (người Thiểm Tây) của Đường đã tái chiếm Trường An. Sau loạn An Sử, quốc thế Đại Đường dần dần suy giảm. Năm 881, Hoàng Sào dẫn quân khởi nghĩa nông dân đánh chiếm Trường An, tại Hàm Nguyên điện của Đại Minh cung, Hoàng Sào lên ngôi hoàng đế, đặt quốc hiệu là "Đại Tề". Tháng 2 năm 883, quý tộc Sa ĐàLý Khắc Dụng đã dẫn quân tiến vào Quan Trung, họ đánh bại tướng Hoàng Nghiệp của Hoàng Sào ở Thạch Đê cốc, đến tháng 3 lại đánh bại Triệu ChươngThượng Nhượng ở Lương Điền Pha, đến tháng 4 thì Hoàng Sào phải đưa quân rút khỏi Trường An. Nhờ công lao của Lý Khắc Dụng, triều Đường đã lấy lại được Trường An, song đến năm 904, Chu Ôn đã ép Đường Chiêu Tông phải thiên đô đến Lạc Dương.

Thời Ngũ Đại

Năm 907, Chu Ôn tiếm vị Nhà Đường, lập ra nhà Hậu Lương. Lý Mậu Trinh vẫn dùng niên hiệu Thiên Hữu của Đường Ai Đế, đối kháng với Hậu Lương. Lý Mậu Trinh lấy Phượng Tường làm trung tâm, lập ra chính quyền cát cứ tại một phần Thiểm Tây, Cam Túc và Tứ Xuyên hiện nay, sử gọi là nước Kỳ. Vì thế, Thiểm Tây khi đó phân thuộc hai chính quyền khác nhau. Nhà Hậu Lương đổi Kinh Triệu phủ thành Ung châu, thiết lập Đại An phủ tại Thiểm Tây. Năm 924, sau khi Hậu Đường diệt Hậu Lương, Lý Mậu Trinh hướng Hậu Đường xưng thần, được hoàng đế Hậu Đường phong làm Tần vương. Từ đó đến hết thời Ngũ Đại, Thiểm Tây nằm trong quyền quản lý của các vương triều Trung Nguyên: Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu. Hậu Đường đã đổi lại Đại An phủ thành Kinh Triệu phủ. Ngoài ra, trong thời Ngũ Đại, một bộ phận phía nam Thiểm Tây cũng từng nằm dưới quyền quản lý của nước Tiền Thục và sau đó là nước Hậu Thục.

Thời Tống, Hạ, Kim, Nguyên

Triệu Khuông Dận sau đó đã tái thống nhất Trung Quốc, lập ra Nhà Tống. Thời Bắc Tống, triều đình đổi đạo thành lộ, trong đó, Thiểm Tây lộ đã được thành lập vào đầu thời Tống. Sau đó, phân chia hành chính lại có thay đổi, đại bộ phận Thiểm Tây quy thuộc quyền quản lý của Vĩnh Hưng quân lộ[chú 60]. phía tây, nam của Lân DuChu Chí đến PhượngLưu Bá thuộc Tần Phượng lộ[chú 61]. Từ Phật Bình, Trấn Ba về phía tây thuộc quyền quản lý của Lợi Châu lộ[chú 62]. Khu vực phía đông của Ninh Thiểm, Thạch Tuyền thuộc về Kinh Tây Nam lộ[chú 63]. Khu vực Thần Mộc, Phủ Cốc, Giai thuộc về Hà Đông lộ[chú 64]. Nhiều huyện nay thuộc Du Lâm do Tây Hạ chiếm hữu.

Năm 1038, người Đảng Hạng dưới sự lãnh đạo của Lý Nguyên Hạo đã thiết lập nên triều Tây Hạ, khống chế một bộ phận Thiểm Bắc. Trong nhiều thập kỷ, Tống và Hạ khi chiến khi hòa, Thiểm Bắc là một chiến trường chủ yếu. Từ năm 1040 đến 1042, Phạm Trọng Yêm đã đứng đầu Vĩnh Hưng quân, cùng Hàn Kỳ đảm nhận nhận chức vụ kinh lược an phủ chiêu thảo phó sứ Thiểm Tây, trợ giúp Hạ Tủng đánh Hạ, cai trị Diên châu (nay là Diên An); ngày nay ở dưới núi Gia Lĩnh tại Diên An vẫn còn nhiều di tích liên quan đến ông. Từ năm 1078 trở đi, Thẩm Quát (沈括), một khoa học gia nổi tiếng, đã cai trị Doanh châu trong 4 năm, cai quản biên phòng Thiểm Bắc.

Năm 1127, Kim diệt Bắc Tống, đến tháng 12 năm đó, quân Kim tiến công Quan Trung, rồi rút đi sau khi đã cướp bóc trên quy mô lớn. Tháng 8 năm 1128, quân Kim lại tấn công Quan Trung, từ đó, phần lớn Thiểm Bắc và phía đông Quan Trung thuộc quyền cai quản của Kim. Triều đình Kim đã thiết lập Kinh Triệu phủ lộ[chú 65], Phu Diên lộ[chú 66], ngoài ra còn có Phượng Tường lộ[chú 67], Khánh Nguyên lộ[chú 68], Hà đông bắc lộ[chú 69], Lợi Châu Tây lộ[chú 70], Lợi Châu Đông lộ[chú 71] Trong khi đó, khu vực nay thuộc Hoành Sơn, Tĩnh Biên, Định Biên và Du Dương của Du Lâm thuộc về Tây Hạ.

Năm 1206, hãn quốc Mông Cổ được thành lập, đến tháng 11 năm 1222, tướng Mộc Hoa Lê của Mông Cổ suất quân lần lượt chiếm lĩnh Đồng Châu[chú 72], Bồ Thành. Tháng 6 năm 1230, quân Mông Cổ công phá Kinh Triệu (nay là Tây An) của Kim, đến tháng 10 thì chiếm Lĩnh Đồng (nay là Đại Lệ), Hoa và những nơi khác tại tây bắc Thiểm Tây. Tháng 4 năm sau, quân Mông Cổ đánh chiếm Phượng Tường, đến tháng 8 thì công phá Phượng Châu[chú 73], chiếm Hưng Nguyên (nay là Hán Trung) và Dương Châu (nay là Dương). Năm 1234, Kim bị tiêu diệt.

Năm 1253, đại hãn Mông Cổ phân phong chư vương, Quan Trung trở thành đất phong của Hốt Tất Liệt. Năm 1271, Hốt Tất Liệt thiên đô về Yên Kinh, đổi quốc hiệu thành "Nguyên". Năm 1272, Hốt Tất Liệt phong cho con trai thứ ba là Mang Ca Lạt (忙哥剌) làm An Tây vương, lập phiên tại Thiểm Tây. Thời Nguyên, Trung Quốc phân thành các hành tỉnh, Thiểm Tây hành tỉnh có trị sở đặt tại Tây An ngày nay, quản lý toàn bộ Thiểm Tây ngày nay, cũng như khu vực phía đông Lan Châu của Cam Túc ngày nay và phía nam trung bộ Ngạc Nhĩ Đa Tư của Nội Mông hiện nay. Đến giữa thời Nguyên, An Tây vương phủ bị phế trừ, An Tây lộ đổi tên thành Phụng Nguyên lộ.

Từ thời Tống đến thời Nguyên, kinh tế Thiểm Tây, đặc biệt là nông nghiệp, đã khôi phục và phát triển tương đối, điểm nổi bật là sự nghiệp thủy lợi. Những năm Khánh Lịch (1041-1048) thời Tống Nhân Tông, diện tích ruộng được tưới đã tăng lên 6.000 khoảng từ mức 2.000 khoảnh vào đầu thời Tống, đạt mức thời kỳ giữa Nhà Đường. Việc sử dụng dầu mỏ và khai mỏ tại Thiểm Tây cũng bắt đầu trong thời Tống-Nguyên. Trong thời gian làm quan tại Thiểm Bắc, Thẩm Quát đã tiến hành khảo sát tường tận và kết luận "dầu mỏ rất nhiều, được tạo ra vô cùng trong lòng đất, không như gỗ tùng có thời kỳ và có thể cạn kiệt".[3]

Thời Minh

Tháp chuông Tây An, được xây dựng vào năm 1384, nay trở thành biểu tượng của Tây An

Tháng 3 năm l369, Từ Đạt đã dẫn quân Minh tiến vào Thiểm Tây. Đến tháng 4, quân Minh chiếm được thành Phụng Nguyên, đổi Phụng Nguyên lộ thành Tây An phủ. Cũng trong tháng 4, quân Minh chiếm được Phượng Tường, tháng 5 chiếm được Diên An, đến tháng 8 thì bình định Thiểm Tây.

Trên cơ sở hệ thống hành tỉnh của triều Nguyên, ngoại trừ Bắc KinhNam Kinh ra, triều Minh chia Trung Quốc thành 13 bố chính sứ ti. Thiểm Tây thừa tuyên bố chính sứ ti thời Minh quản lý toàn bộ tỉnh Thiểm Tây ngày nay, cộng thêm vùng phía đông Gia Dục quan của tỉnh Cam Túc ngày nay, đại bộ phận Ninh Hạ và Ngạc Nhĩ Đa Tư của Nội Mông hiện nay, khu vực phía đông hồ Thanh Hải của tỉnh Thanh Hải ngày nay. Triều đình Nhà Minh cũng tiến hành phong vương lập phiên, trên địa phận của Thiểm Tây bố chính sứ ti có 7 phiên vương, trong đó có 3 phiên vương nằm trên địa bàn tỉnh Thiểm Tây ngày nay: năm Hồng Vũ thứ 10 (1378), phong Tần vương ở khu vực Tây An; năm Tuyên Đức thứ 9 (1429), phong Trịnh vương ở khu vực Phượng Tường; năm Thiên Khải thứ 7 (1627), phong Thụy vương ở khu vực Hán Trung.

Sau khi Đường Chiêu Tông thiên đô về Lạc Dương, thành ngoại quách và Cung thành của Trường An đã bị Chu Ôn phá hủy triệt để, đóng ba cổng thành của Hoàng thành, chỉ để lại Huyền Vũ môn ở phía bắc. Thời Minh, triều đình tiến hành xây dựng thành Tây An với quy mô lớn. Trong khoảng 1374-1378, đô đốc Bộc Anh (濮英) đã chủ trì việc mở rộng thành của thành Tây An. Tường thành hai mặt tây và nam được gia cố trên cơ sở tường thành của hoàng thành từ thời Đường, xây mới tường thành hai mặt đông và bắc, thành Tây An vì thế dài và rộng hơn so với Phụng Nguyên lộ thành của triều Nguyên.

Rạng sáng ngày 23 tháng 1 năm 1556, tại huyện Hoá của tỉnh Thiểm Tây đã xảy ra động đất 8 độ Richter, thảm họa này đã giết chết xấp xỉ 830.000 người,[16] ảnh hưởng lan rộng tới tận các tỉnh Hồ NamGiang Tô[17] Một khu vực rộng 840 kilômét (520 dặm) đã bị phá hủy,[18] và ở một số huyện có đến 60% cư dân thiệt mạng.[19]

Khởi nghĩa nông dân cuối Minh, đầu Thanh

Cuối thời Minh, triều đình trở nên hủ bại, đất nước mất mùa đói kém, người dân nhiều nơi nổi loạn, trong đó có Thiểm Tây. Tháng 11 năm 1628, Vương Gia Dận cùng bọn Ngô Duyên Quý tổ chức nạn dân ở Phủ Cốc khởi nghĩa, trước đó Vương Nhị cũng tổ chức một cuộc khởi nghĩa nông dân tại huyện Bạch Thủy. Đồng thời, Vương Tả Quải cũng kêu gọi hơn vạn người nổi dậy ở Nghi Xuyên. Ở huyện An Tắc, có cuộc khởi nghĩa của Cao Nghênh Tường. Năm 1636, Cao Nghênh Tường rơi vào ổ mai phục của Thiểm Tây tuần phủ Tôn Truyện Đình ở Hắc Thủy Dục thuộc huyện Chu Chí, thua trận bị bắt, giải về Bắc Kinh, bị xử lăng trì. Tàn dư của cuộc khởi nghĩa Cao Nghênh Tường tôn Lý Tự Thành làm Sấm vương. Tháng 1 năm 1643, Lý Tự Thành lập chính quyền tại Tương Dương của Hồ Bắc, đến tháng 10 cùng năm, quân của Lý Tự Thành phân làm hai lộ tấn công Quan Trung, công phá thành Tây An, đến tháng 11 thì chiếm được Quan Trung và Thiểm Bắc. Tháng 1 năm 1644, Lý Tự Thành đổi Tây An thành Trường An, đặt hiệu là Tây Kinh, chính thức kiến quốc, đặt quốc hiệu là "Đại Thuận". Tháng 6 năm 1644, Lý Tự Thành thất bại trước liên quân giữa quân Thanh và quân Ngô Tam Quế nên đã phải rút từ Bắc Kinh về lại Tây An. Tháng 12 năm 1644, quân Thanh chiếm được Thiểm Bắc, đến tháng 1 năm sau thì công phá Đồng Quan, Lý Tự Thành phải đưa quân qua Lam Điền, Thương Châu để rút đến Hồ Quảng. Sau khi đánh bại quân của Lý Tự Thành, quân Thanh chiếm cứ toàn bộ Thiểm Tây vào tháng 2 năm 1645.

Thời Thanh

Thời Nhà Thanh, triều đình phế bỏ xưng hiệu "bố chính sứ ti" của triều Minh, đổi sang gọi là hành tỉnh hoặc gọi tắt là tỉnh. Đầu thời Thanh, Thiểm Tây hành tỉnh quản lý toàn bộ Thiểm Tây ngày nay, cộng thêm các vùng phía đông của Cam Túc, Ninh Hạ và Thanh Hải ngày nay. Năm Khang Hy thứ 2 (1663), tách Thiểm Tây hữu chính sứ trú tại Củng Cương[chú 74], ba năm sau lại đổi thành Cam Túc bố chính sứ và dời đến trú tại Lan Châu. Tả bố chính sử ti vẫn trú tại Tây An, quản lý bốn phủ Tây An, Diên An, Phượng Tường, Hán Trung cùng Hưng An châu. Trong suốt thời Thanh, Tây An là thủ phủ của Thiểm Tây. Vào năm Đồng Trị thứ 6 (1649), triều Thanh lấy đông bắc bộ thành Tây An thời Minh để hình thành một thành phòng thủ, gọi là Mãn thành.

Nhiều người Hán đã từ Thiểm Tây di cư đến Tân Cương trong thời Thanh. Họ được phân loại là thương nhân nếu không mang thân phận nô lệ.[20] Do Thiểm Nam còn nhiều đất trống, vùng đã thu hút người nhập cư trên quy mô lớn sau khi Hồ Bắc và Tứ Xuyên xảy ra nạn đói nghiêm trọng và mùa màng thất bát trong thập niên 1770. Đến đầu thế kỷ XIX, những người nhập cư đến từ Trung và Nam Trung Quốc đã chiếm đến 90% tại một số nơi ở Thiểm Nam. Trong khoảng thời gian 1796–1804, những người bất mãn với triều đình đã tiến hành Khởi nghĩa Bạch Liên giáo ở vùng giáp ranh giữa Tứ Xuyên-Thiểm Tây-Hồ Bắc-Hà Nam, song bị quân Thanh đàn áp.

Trong khoảng thời gian 1853 đến 1868, đông bộ và nam bộ Thiểm Tây trở nên náo động do khởi nghĩa Niệp quân. Cuối thời Thanh, trong các năm 1862-1877, tại khu vực Cam Túc và Thiểm Tây nổ ra nổi dậy Hồi giáo trên quy mô lớn, còn gọi là khởi nghĩa người Hồi Cam-Thiểm Đồng Trị, ảnh hưởng đến phần lớn tây bộ và bắc bộ Thiểm Tây. Mặc dù hoạt động nổi loạn và hành động trấn áp tại Thiểm Tây không nghiêm trọng như Cam Túc song nó đã khiến 600.000 người thiệt mạng.[21]

Sau khi cuộc nổi loạn Hồi giáo kết thúc, Thiểm Tây lại bị một nạn đói nghiêm trọng do hạn hán kéo dài, tỉnh hầu như không có mưa từ năm 1876 đến năm 1878, và khi triều đình Nhà Thanh cố gắng khắc phục tình hình vào năm 1877 thì những yếu kém về hạ tầng giao thông đã cản trở hoạt động cứu trợ. Có thể đã có từ 4 đến 5 người chết đói chỉ tính riêng ở Thiểm Tây, một số huyện trong thung lũng Vị Hà màu mỡ mất trên 100.000 người mỗi huyện.[21] Do các tai họa vào cuối thế kỷ XIX, Thiểm Tây đã trở thành nơi nhập cư của những người mong muốn có ruộng đất từ Tứ Xuyên và Hà Bắc.

Năm 1900, do ảnh hưởng từ phong trào Nghĩa Hòa Đoàn, ở Thiểm Tây đã nổ ra hoạt động chống lại tôn giáo phương Tây, trong đó giáo án Yên Tử Biêm (thuộc huyện Ninh Cường), giáo án Tam Biên ở Tĩnh Biên, Định Biên và An Biên là hai cuộc đấu tranh chống lại giáo hội có quy mô lớn nhất.

Tháng 8 năm 1900, Liên quân tám nước tiến vào Bắc Kinh, Từ Hi Thái hậuQuang Tự Đế phải chạy về phía tây, đến ngày 26 tháng 10 thì đến Tây An. Sau khi ký kết điều ước Tân Sửu, Từ Hi bắt đầu khởi hành từ Tây An về kinh thành vào ngày 6 tháng 10 năm 1901.[3]

Ngày 10 tháng 10 năm 1911, khởi nghĩa Vũ Xương bùng phát, ngày 22 tháng 10, Tân quân tại Tây An khởi nghĩa hưởng ứng, là cuộc khởi nghĩa hưởng ứng đầu tiên tại các tỉnh phía bắc Trung Quốc. Chiều ngày 23, quân khởi nghĩa công phá Mãn thành, Tây An về tay quân cách mạng. Ngày 27 tháng 10, chính phủ Thiểm Tây quân được thành lập, đến tháng 11 thì đại bộ phận tỉnh Thiểm Tây về tay quân cách mạng.

Sau năm 1911

Đại lễ đường Trung ương Dương Gia Lĩnh của lực lượng cộng sản tại căn cứ ở Diên An

Tới tận tháng 11 năm 1926, Thiểm Tây mới thuộc quyền quản lý của chính phủ Quốc dân. Tháng 7 năm 1927, sau khi chính quyền tỉnh Thiểm Tây chính thức được thành lập, chế độ các huyện trong tỉnh dần dần được tổ chức lại, người đứng đầu mỗi huyện được gọi là huyện trưởng. Sau khi liên minh với chính phủ Quốc dân, quân phiệt Dương Hổ Thành (楊虎城) được bổ nhiệm làm chủ tịch tỉnh Thiểm Tây. Năm 1933, Trung Hoa Dân Quốc đổi Tây An thành Tây Kinh, nơi đây được định làm bồi đô của chính phủ Quốc dân.

Đầu thế kỷ XX, Thiểm Tây cũng bị thiệt hại từ những nạn đói định kỳ, diễn ra vào các năm 1915, năm 1921, và cuối cùng là năm 1928. Nạn đói cuối cùng cũng có tính chất nghiêm trọng giống như nạn đói 1877–78, người ta ước tính rằng Thiểm Tây đã có tới 3 triệu người chết vì đói, các dịch bệnh sau đó càng khiến số người chết tăng thêm hơn nữa.[21] Tuy nhiên, trong lúc này đã có một số hoạt động cứu giúp, Tổ chức cứu trợ quốc tế về nạn đói đã phục hồi hệ thống thủy lợi bỏ hoang ở thung lũng Vị Hà, trong khi đường sắt Lũng Hải được kéo dài vào trong địa phận của tỉnh Thiểm Tây sẽ giúp vận chuyển đồ cứu trợ được nhanh hơn khi nạn đói tiếp tục xảy ra.

Sau thất bại của Cộng hòa Xô viết Trung Hoa, từ tháng 10 năm 1934 đến tháng 10 năm 1935, lực lượng của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phải tiến hành Vạn lý Trường chinh gian khổ từ Giang Tây đến Thiểm Tây để lập căn cứ mới. Khi khởi đầu cuộc rút lui, Hồng quân Trung Quốc có hơn 86 nghìn người [22], nhưng khi kết thúc cuộc Vạn lý Trường chinh, số Hồng quân sống sót chỉ còn ít hơn 7 nghìn.[23] Từ năm 1937, Diên An đã trở thành nơi đặt trụ sở các cơ quan đầu não của lực lượng cộng sản Trung Quốc. Nơi này đã trở thành trung tâm đào tạo chuyên sâu của các đảng viên và quân đội cộng sản.

Ngày 12 tháng 12 năm 1936, khi Tưởng Giới Thạch đến Tây An, Trương Học LươngDương Hổ Thành đã tiến hành binh biến bắt giữ Tưởng Giới Thạch, nhằm gây áp lực buộc Tưởng hợp tác với Đảng Cộng sản Trung Quốc chống Nhật.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thiểm_Tây http://www.kepu.ac.cn/english/quake/ruins/rns03.ht... http://english.people.com.cn/200701/14/eng20070114... http://gb.cri.cn/9223/2006/03/20/1266@954809.htm http://portuguese.cri.cn/135/2008/02/08/1@83413.ht... http://vietnamese.cri.cn/chinaabc/chapter20/chapte... http://www.shaanxi.gov.cn http://www.snly.gov.cn/info/1261/4866.htm http://www.gov.cn/test/2012-04/05/content_2107094.... http://lib.sxsdq.cn/bin/mse.exe?seachword=&K=b&A=1... http://www.sxsdq.cn/sqgk/